Xét nghiệm RF là gì? Những điều cần biết về xét nghiệm RF

14:49 - 16/07/2019

Xét nghiệm RF là một thủ tục bắt buộc trong chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp. Vậy, xét nghiệm RF là gì? Tại sao phải làm xét nghiệm RF ? Đọc kỹ những thông tin cần thiết về xét nghiệm RF sẽ giúp người bệnh và gia đình hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của loại xét nghiệm này.

Xét nghiệm RF là gì?

Xét nghiệm RF (Rheumatoid Factor) là một xét nghiệm định tính và định lượng các yếu tố dạng thấp (RF) trong máu, giúp phát hiện và chẩn đoán bệnh viêm khớp, viêm khớp dạng thấp. Nói đơn giản hơn, đây là một thủ tục kiểm tra cần thiết để biết bạn có mắc bệnh viêm khớp dạng thấp hay không.

 

 

Yếu tố dạng thấp RF ở đây là một kháng thể tự sinh, một protein IgM (globulin miễn dịch M) được sản sinh bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể. Kháng thể tự sinh này tấn công vào các mô của chính cơ thể do nhận định các mô này là “kẻ ngoại lai”. Mặc dù vai trò sinh học của RF chưa được làm rõ nhưng RF giúp nhận biết về hoạt động của các phản ứng viêm và tự miễn dịch.

 

Những điều cần biết về xét nghiệm RF

**Xét nghiệm RF được dùng như thế nào?

Xét nghiệm RF là một kiểm tra để khẳng định bệnh viêm khớp dạng thấp hoặc hội chứng Sjogren nhưng nó cũng có thể dương tính với nhiều bệnh lý khác. Tỉ lệ RF dương tính khi thực hiện xét nghiệm này là khoảng 75% người bệnh viêm khớp dạng thấp và 60-70% ở những người bị hội chứng Sjogren.

Xét nghiệm RF cũng có thể phát hiện thấy ở những bệnh nhân bị các rối loạn khác như nhiễm trùng lâu ngày do virus, vi khuẩn ký sinh trùng và một số bệnh ung thư. Thỉnh thoảng, RF cũng được tìm thấy ở người đang có vấn đề về gan, phổi và thận hoặc một số ít những người khỏe mạnh.

 

 

Xét nghiệm RF chủ yếu được dùng để chẩn đoán khi nghi ngờ viêm khớp dạng thấp (RA) hoặc hội chứng Sjogren. Và để phân biệt các bệnh này với các chứng viêm khớp khác hay các căn bệnh khác có những dấu hiệu tương tự. Chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp phụ thuộc khá nhiều vào hình ảnh lâm sàng nhưng một số triệu chứng hay dấu hiệu lại có thể không xuất hiện hoặc không điển hình, nhất là trong giai đoạn đầu phát bệnh. Chưa kể, các triệu chứng này không phải luôn được xác định rõ vì có thể người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp hay Sjogren cũng gặp phải các rối loạn mô liên kết hay bệnh lý khác (chẳng hạn như hiện tượng Raynaud, xơ cứng bì, rối loạn tuyến giáp tự miễn, lupus ban đỏ hệ thống). 

 

**Xét nghiệm RF được chỉ định khi nào?

Xét nghiệm RF có thể được chỉ định khi bệnh nhân có biểu hiện viêm khớp dạng thấp. Các triệu chứng điển hình bao gồm đau, sưng, nóng, cứng khớp vào buổi sáng, xuất hiện các hạt dưới da. Khi bệnh đã tiến triển thì sẽ cho hình viêm sưng nang khớp và mất sụn, mất xương trên phim X-quang. Nếu sau thử nghiệm RF đầu tiên cho kết quả âm tính và các triệu chứng này vẫn không thuyên giảm thì  bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm RF lặp đi lặp lại nhiều lần.

Xét nghiệm RF cũng có thể áp dụng cho bệnh nhân bị nghi ngờ mắc hội chứng Sjogre với các dấu hiệu khô mắt, khô miệng, khô da, đau cơ và đau khớp. Khi đó, xét nghiệm RF được thực hiện cùng với xét nghiệm Anti-SS-A và anti-SS-B để giúp chẩn đoán hội chứng Sjogren.

 

Xét nghiệm RF cũng có thể được chỉ định cùng với xét nghiệm liên quan đến tự miễn dịch khác, chẳng hạn như một kháng thể kháng nhân, các dấu hiệu viêm (CRP, ESR, CBC) để đánh giá các tế bào máu của cơ thể.

**Ý nghĩa của xét nghiệm RF 

Kết quả xét nghiệm RF phải được phối hợp với các triệu chứng lâm sàng và tiền sử bệnh để chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp, hội chứng Sjogren hoặc điều kiện khác.

Với những người có triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng của viêm khớp dạng thấp, kết quả cho thấy nồng độ RF tăng đáng kể thì người đó có khả năng bị viêm khớp dạng thấp. Tương tự, ở những người có các triệu chứng của hội chứng Sjogren, nồng độ RF tăng đáng kể cũng cho biết người đó có khả năng bị hội chứng Sjogren.

Một kết quả xét nghiệm RF âm tính không loại trừ khả năng người đó bị viêm khớp dạng thấp hoặc hội chứng Sjogren. Có khoảng 20% những người bị viêm khớp dạng thấp và những người có hội chứng Sjogren có xét nghiệm RF âm tính và/hoặc có thể có mức độ RF rất thấp.

Kết quả xét nghiệm RF dương tính cũng có thể được tìm thấy ở những người khỏe mạnh và ở những người mắc bệnh viêm nội tâm mạc, lupus ban đỏ hệ thống (lupus), bệnh gan, phổi, thận, bệnh lao, giang mai, sarcoidosis,  nhiễm virus hay ung thư. Và xét nghiệm RF thì không được sử dụng để chẩn đoán hay theo dõi các bệnh lý này.

**Một số câu hỏi thường gặp về xét nghiệm RF

  • Tôi có kết quả RF cao thì có nghĩa là tôi bị viêm khớp dạng thấp giai đoạn nặng đúng không?

Nồng độ RF cao có thể kéo dài hoặc biến động mà không nhất thiệt phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các dấu hiệu hoặc triệu chứng viêm khớp dạng thấp. RF cao thường tìm thấy ở những người bị viêm khớp dạng thấp đang hoạt động. Tình trạng này tương tự như với hội chứng Sjogren hay các chứng viêm khác. Ngoài ra, RF cao cũng có thể là do bạn bị viêm nội tâm mạc, lupus ban đỏ hệ thống (lupus), bệnh gan, phổi, thận, bệnh lao, giang mai, sarcoidosis,  nhiễm virus hay ung thư.

  • Tất cả mọi người đều cần phải xét nghiệm RF?

Xét nghiệm RF không được chỉ định thường quy nên hầu hết mọi người sẽ không cần phải thực hiện xét nghiệm này.

  • Tôi có thể bị viêm khớp mà không bị viêm khớp dạng thấp không?

Bạn có thể mắc một dạng khác của viêm khớp, như viêm xương khớp hay thoái hóa khớp. Thoái hóa khớp gây tổn thương khớp nặng nề nhưng không liên quan đến sự hủy diệt tế bào tự miễn.

  • Có thể thực hiện xét nghiệm RF ở các phòng khám không?

Xét nghiệm RF có thể được thực hiện ở các phòng khám chuyên khoa xương khớp. Tuy nhiên, bạn vẫn nên kiểm tra tại các bệnh viện lớn để cho kết quả chính xác.